Vụ nổ bình gas gây chết thương tâm cho 2 cháu bé tại phố Tạ Quang Bửu, khiến nhiều người lo ngại chất lượng bình gas đang sử dụng.
1. Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực... rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Giá mỗi chiếc bình loại 12 kg khoảng 600 nghìn đồng. Chính vì chi phí cao, nên việc làm giả vỏ bình vẫn xảy ra lâu nay. (Ảnh chụp: Mẫu vỏ bình gas của Công ty Ánh Ngọc Gas, được sản xuất bởi Công ty Đông Phương).
2. Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của hãng ga chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác. (Ảnh chụp phía trong vỏ gas có chữ nhận biết của chính hãng Sài Gòn Gas).
Việc phân biệt bình gas thật và giả rất khó. Vì vậy, trước hết người tiêu dùng phải chịu khó tìm các thông tin từ nhà sản xuất. Người tiêu dùng cần cảnh giác trước các dấu hiệu lạ của sản phẩm như: bình gas nhẹ hơn bình thường, logo không rõ ràng, niêm chì, màng co không đồng bộ...
Các đơn vị chiết nạp trái phép thường thu gom vỏ bình gas chính hãng ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng và bán theo giá gas chính hãng. Tiêu chuẩn an toàn của vỏ bình thu gom trôi nổi là một câu hỏi lớn.
3. Người tiêu dùng, khi gọi gas thường không chú ý đến các đặc tính an toàn và hạn sử dụng của vỏ bình hay thương hiệu mà chỉ gọi gas theo thói quen về màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ… tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh gas giả bán hàng kém chất lượng, không an toàn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ nổ do rò rỉ khí gas gần đây, ảnh hưởng đến tính mạng con người và gây thiệt hại vật chất lớn.
4. Trên tay xách của mỗi bình gas, tùy công ty, có ghi trọng lượng vỏ bình từ 12,5kg-13,5kg. Đối với loại bình gas phổ biến 12kg, tổng trọng lượng cả vỏ bình và gas bên trong sẽ là 24,5kg-25,5 kg. Do vậy, khi mua gas, người tiêu dùng yêu cầu nhân viên đưa gas cân bình gas, lấy tổng trọng lượng bình gas trừ đi trọng lượng vỏ ghi ở tay xách, sẽ biết số gas có trong bình.
5. Theo thống kê (không chính thức), từ các công ty kinh doanh gas thì hiện tại gas giả - hay còn gọi là gas chiết nạp trái phép đang chiếm khoảng 30% sản lượng trên thị trường gas. Mặc dù Nhà nước đã có những quy định pháp luật về việc đảm bảo an toàn cho mỗi bình gas được tiêu thụ trên thị trường nhưng có không ít các đơn vị kinh doanh lậu, vì lợi nhuận bất chính vẫn bất chấp nguy hiểm, thực hiện việc sang chiết trái phép, tráo đổi các phụ kiện rẻ tiền, và sao chép vỏ bình của các thương hiệu gas lớn.
6. Không chỉ bị làm giả tem, màng co..., các bình gas trên còn bị bơm thiếu trọng lượng rất nhiều. Chẳng hạn khi cân thử bình gas nhãn hiệu V Gas phát hiện thiếu hơn 2 kg, còn loại bình Thủ Đức Gas bị thiếu đến... 6 kg. Theo tính toán, một bình gas 12 kg hiện có giá bán khoảng 330.000 đồng/bình, tức 1 kg gas có giá 27.500 đồng. Chỉ cần mỗi bình gas nạp thiếu 2 kg, người bán bỏ túi 55.000 đồng, còn thiếu đến 6 kg là đã gian lận đến 158.000 đồng. Chưa kể nguồn gas được thu mua trôi nổi, chất lượng không bảo đảm có giá thấp hơn khoảng 20% so với gas chất lượng của chính hãng.
Do đó, một trong những biện pháp phân biệt bình gas thật và bình ga giả là cân trọng lượng của gas. (Cân trọng lượng bình gas thật khoảng 25,5kg còn, bình gas lừa có thể chỉ còn 18,4kg).
7. Theo các công ty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại; khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại không dây hoặc di động; khi thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas, và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.